+84932772021

Công khai tải trọng cầu, đường

Sẽ công bố hiện trạng tải trọng cầu đường, giúp doanh nghiệp, nắm bắt được tình trạng chịu lực của hệ thống cầu đường…
  

CongKhaiTaiTrongCauDuong
Ảnh minh hoạ

   Tới đây, Tổng cục Đường bộ VN sẽ công bố hiện trạng tải trọng cầu đường, giúp doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vận tải siêu trường, siêu trọng nắm bắt được tình trạng chịu lực của hệ thống cầu đường, từ đó chủ động xây dựng phương án vận tải phù hợp.
   Gỡ khó cho vận tải siêu trường, siêu trọng
   Hiện nay, hệ thống cầu, đường trên cả nước chưa thực sự đồng bộ về tải trọng, trên cùng một tuyến đường, có nhiều cây cầu quy định tải trọng khác nhau. Hơn nữa, tải trọng cầu và tải trọng của đường không đồng bộ khiến các đơn vị kinh doanh vận tải cũng như lái xe gặp rất nhiều khó khăn.
   Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT trong việc tạo thuận lợi cấp phép cho xe siêu trường, siêu trọng, Tổng cục Đường bộ VN đang tiến hành rà soát quốc lộ trên cả nước để công bố tải trọng và khổ giới hạn. Qua rà soát tại các tỉnh cho thấy, một số tuyến đang còn tồn tại bất cập về tải trọng.
   Ông Điệp lấy ví dụ, tại tỉnh Bình Định có hai tuyến quốc lộ là QL19 và QL1D. Phần lớn cầu trên các tuyến này đều cắm biển tải trọng cho phép 30 tấn, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, một container được chứa tối đa 33 tấn hàng. Có nơi ở miền Bắc, cả tuyến đường đáp ứng được đối với xe có tải trọng lớn nhưng chỉ vì một cây cầu lại khiến tất cả tắc nghẽn”, ông Điệp nói.
   Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ, năm 2012, khi rà soát hệ thống cầu để cập nhật vào cơ sở dữ liệu cầu theo tài trợ của JICA, có những cầu khi đó tải trọng là H30, nhưng kiểm tra về mặt kỹ thuật, cầu đã xuống cấp không còn đúng tiêu chuẩn như trước nữa. Ví dụ, như cầu Ngòi Lực trên QL70 (Yên Bái), tại thời điểm cập nhật, cầu chưa được gia cố, tải trọng thấp, nhưng sau đó, cầu được gia cường lại nên tải trọng tăng lên.
   “Trong ba năm gần đây, Tổng cục Đường bộ VN đã sửa chữa trên 600 cầu. Số cầu này sẽ phải cập nhật lại, nhất là những cầu sau khi sửa, thay đổi về khả năng chịu lực”, ông Điệp nói và cho biết, mục đích của việc rà soát lần này là giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm được năng lực chịu tải của từng đoạn tuyến và cầu trên tuyến đó. “Việc rà soát cũng giúp doanh nghiêp vận tải nắm bắt được tình trạng chịu lực của hệ thống cầu đường, để họ chủ động xây dựng phương án vận tải cho phù hợp”, ông Điệp chia sẻ.
   Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, việc công bố công khai tải trọng cầu đường giúp doanh nghiệp kinh doanh vận tải nắm rõ tải trọng của từng tuyến đường, tuyến đường này có tải trọng bao nhiêu tấn, xe của mình có đi được hay không. “Trên cơ sở đó, doanh nghiệp chuẩn bị phương tiện phù hợp năng lực để ký hợp đồng với đối tác có hàng siêu trường, siêu trọng. Khi tải trọng cầu đường được công khai, các Sở GTVT mới mạnh dạn cấp giấy phép vận tải siêu trường, siêu trọng cho doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
   Doanh nghiệp phải trả chi phí gia cường cầu
   Một số doanh nghiệp vận tải trước đây thắc mắc khi phải trả chi phí trong trường hợp xin cấp phép mà phải gia cố các cầu yếu trên tuyến. Các chi phí này thường khá lớn so với giá cước vận tải, trong khi chủ hàng không bao giờ chấp nhận trả cho khoản chi phí đó. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải không thể có đủ kinh phí để thực hiện. “Việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện gia cố cầu đường để các doanh nghiệp khác được hưởng lợi sau này khi vận chuyển trên cùng tuyến đường và có tải trọng tương tự là khó có thể chấp nhận được”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
   Giải thích về vấn đề này, ông Điệp cho rằng, tải trọng cầu đường hiện được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhưng khi doanh nghiệp vận tải muốn đi với một tải trọng lớn hơn, vượt quá năng lực của hệ thống cầu đường, khi cơ quan nhà nước cấp phép mà phải gia cường cầu nhằm đảm bảo cho xe đi được, phần chi phí đó đương nhiên doanh nghiệp phải chịu. “Không một quốc gia nào thiết kế cầu đường cho mọi loại tải trọng”, ông Điệp nói và lấy ví dụ, doanh nghiệp vận chuyển thiết bị tuabin cho nhà máy thủy điện thì đó là đơn hàng đặc biệt vì không thể tháo rời, khi đó chi phí gia cường hệ thống cầu đường doanh nghiệp phải tính vào đơn giá của hàng hóa đó. Ngay cả các nước lớn như Mỹ, Nhật đều thực hiện theo hướng này.
   “Trong trường hợp cá biệt là anh đặt hàng nhà máy sản xuất hàng khác bình thường, anh phải tính thêm chi phí thiết kế cho nhà sản xuất. Hay như khi anh mua xe về mà anh muốn “độ” thêm các thiết bị khác, rõ ràng anh phải bỏ thêm tiền, không có nhà sản xuất nào chịu chi phí này”, ông Điệp cho biết.
   Đề cập về chủ trương công bố hiện trạng tải trọng cầu đường, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đơn vị đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật bổ sung dữ liệu về tải trọng thiết kế, tải trọng khai thác, khổ cầu… đối với tất cả các cầu trên hệ thống quốc lộ đang khai thác.
   Cũng theo ông Huyện, Thông tư 46 thay thế Thông tư số 07 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của Bộ GTVT vừa được ban hành, Tổng cục sẽ công bố, cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ trong phạm vi cả nước trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ VN.

 

Theo baogiaothong.vn

Comments

comments

Enter your keyword

Chat Zalo Tư Vấn
ĐĂNG KÝ